Aller au contenu principal

Tứ niệm xứ


Tứ niệm xứ


Tứ Niệm Xứ (Pali; Skt: smṛtyupasthāna) là một thuật ngữ Phật giáo quan trọng, có nghĩa là sự thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hay chánh niệm hiện tiền, hoặc cũng có thể hiểu là các nền tảng của chánh niệm. Phương pháp này nhằm giúp cho hành giả đạt đến sự giác ngộ viên mãn và tâm tỉnh thức. Trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Nguyên Thủy (Thevarada), việc thực hành thiền quán tập trung 4 đối tượng: Thân (sa, pi. kāya) hay còn hiểu là cơ thể, Thọ (sa, pi. vedanā) hay còn hiểu là cảm giác, Tâm (sa, pi. citta) và Pháp (sa, pi, sadhammās) tức là các nguyên tắc hay phạm trù chính trong giáo lý của Đức Phật; mà được cho là giúp loại bỏ năm triền cái và phát triển Thất Giác Chi.

Có lẽ, kinh Tứ Niệm Xứ (Đại Niệm Xứ, Satipatthana) là văn bản về thực hành Thiền có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo Thevarada hiện đại, và các phong trào Thiền Vipassana cũng dựa trên cơ sở lời dạy trong kinh điển này. Giáo lý về Tứ Niệm Xứ có thể tìm thấy ở trong tất cả các truyền thống Phật giáo, tuy nhiên Phật giáo Thevarada hiện đại và phong trào Thiền vipassanā được biết đến rộng rãi qua việc thúc đẩy việc thực hành Tứ Niệm Xứ để phát triển Chính niệm tỉnh giác mà thông qua đó hành giả sẽ đạt được cái nhìn sâu sắc về vô thường và chứng được Sơ quả trong Tứ Thánh Quả .

Đây là một trong những phương pháp tu tập quan trọng mà Đức Phật đã nhấn mạnh, được thể hiện rất rõ qua Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ và Kinh Tương Ưng Bộ.

Phương pháp

Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong Kinh Đại Niệm Xứ (pi. Mahāsatipaṭṭhāna-sutta) và Đức Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết-bàn.

Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.

Ngày nay tại phương Tây, phép quán bốn niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi (Toạ thiền) hay áp dụng phép quán này trong các hoạt động hàng ngày.

  • Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, thở ra, thở vào (pi. ānāpānasati), cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.
  • Quán Thọ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ) hay trung tính (bất khổ bất lạc thọ), nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
  • Quán Tâm là chú ý đến các tâm pháp (ý nghĩ) đang hiện hành, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (Tâm sở), biết rõ tâm đang thâu nhiếp hay tán loạn, tâm quảng đại hay không quảng đại, tâm hữu hạn hay không hữu hạn, tâm vô thượng hay không vô thượng, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát.
  • Quán Pháp là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều Vô ngã, biết rõ Năm Triền Cái có hiện hành hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế.

Trong Đại thừa, các phép niệm xứ được hiểu là quán thân, thụ, tâm, pháp; bốn thứ đều là dạng của tính Không.

Một số trích đoạn từ kinh điển hệ Pali

Dưới đây là một vài bản trích dẫn từ nhiều Kinh khác nhau trong Kinh tạng hệ Pali, điển hình là Kinh Trung Bộ và Kinh Tương Ưng Bộ.

  • Trích từ Kinh Tương Ưng Bộ, Tập V - Thiên Đại Phẩm, [47] Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ (a)

I. Phẩm Ambapàli

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàli.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) -- Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Con đường ấy tức là bốn niệm xứ.

6) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn nói.

  • Trích từ Kinh Trung Bộ, Tập I- Kinh số 10 - Kinh Niệm Xứ (a)

(Quán thọ)

Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ?

Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo

khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ"; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ"; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ".

Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất".

Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất".

Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất".

Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.

Tóm tắt về các pháp được quán trong Tứ Niệm Xứ

Dưới đây là các bảng tóm tắt về tất cả các hiện tượng và cách tuệ tri theo từng hiện tượng được ghi chép trong kinh điển Pali và được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang Tiếng Việt.

  • Trích từ trong Kinh Trường Bộ: Tập II- Kinh số 22 - Kinh Đại Niệm Xứ.
  • Trích từ trong Maha-satipatthana Sutta: The Great Frames of Reference bởi Tỷ-Kheo Thanissaro bản Tiếng Anh.

Nguồn tham khảo

Đọc thêm

  • Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya)- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt- Tập II- Kinh số 22- Kinh Đại Niệm Xứ. Xem tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong22.htm
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya)- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt- Tập I- Kinh số 10- Kinh Niệm Xứ (a). Xem tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya)- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt- Tập V- Thiên Đại Phẩm- Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ (a). Xem tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-47a.htm
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya)- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt- Tập V- Thiên Đại Phẩm- Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ (b). Xem tại: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-47b.htm
Giuseppe Zanotti Luxury Sneakers

Liên kết ngoài

  • Kinh điển Pali bản dịch Việt [1]
  • Hướng dẫn đọc kinh điển Pali [2]

Text submitted to CC-BY-SA license. Source: Tứ niệm xứ by Wikipedia (Historical)



PEUGEOT 205