Aller au contenu principal

Hậu cung Như Ý truyện


Hậu cung Như Ý truyện


Hậu cung Như Ý truyện (chữ Hán: 后宫如懿传) là một cuốn tiểu thuyết được viết bởi Lưu Liễm Tử, một nhà văn Trung Quốc. Tiểu thuyết này được viết dựa vào cái kết của bộ phim truyền hình Hậu cung Chân Hoàn truyện.

Cuốn tiểu thuyết lấy thời kỳ triều đại nhà Thanh thời Càn Long làm bối cảnh, và Kế hoàng hậu Na Lạp thị là nhân vật chính. Cuốn tiểu thuyết gồm 6 quyển và đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Trung Quốc Hoa Kiều vào năm 2012. Năm 2016, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình mang tên Như Ý truyện và được ra mắt vào ngày 20 tháng 8 năm 2018. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2017, Bảng giá trị IP Văn học Hồ Nhuận năm 2017 đã được phát hành, và "Hậu cung Như Ý truyện" xếp hạng 78.

Giới thiệu

Cuốn tiểu thuyết này của Lưu Liễm Tử (流潋紫; tên thật Ngô Tuyết Lam 吴雪岚) bắt đầu viết vào năm 2011, khoảng thời gian sau kết thúc quá trình đồng biên kịch cho bộ phim Chân Hoàn truyện. Bộ phim Chân Hoàn truyện dựa vào tiểu thuyết Hậu cung Chân Huyên truyện trước đó của cô.

Nội dung tiểu thuyết đại khái có cảm hứng từ cái kết của phim Chân Hoàn truyện, Lưu Liễm Tử khi sáng tác có đưa vào rất nhiều chi tiết liên quan. Nhưng bản tiểu thuyết Hậu cung Chân Huyên truyện trước đó của cô là triều đại giả tưởng, sau lên phim, đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã chuyển thành triều đại của Ung Chính nên rất nhiều chi tiết liên quan của phim Chân Hoàn truyện được Lưu Liễm Tử khéo léo sử dụng và tránh đụng chạm trực tiếp. Khi bản phim của tiểu thuyết là Như Ý truyện bắt đầu quá trình lên biên kịch kịch bản, Lưu Liễm Tử - lúc này giữ vai trò biên kịch - quyết định sửa đi rất nhiều chi tiết của kịch bản phim, về bối cảnh ban đầu lẫn tính cách nhân vật. Qua đó có thể nói, giữa Hậu Cung Như Ý truyện cùng Như Ý truyện có sự khác nhau tương đối lớn, và Như Ý truyện có quan hệ rất lỏng lẻo với phim Chân Hoàn truyện, trong khi Hậu cung Như Ý truyện lại gần gũi hơn.

Bối cảnh cuốn tiểu thuyết viết về đời Càn Long, tức ngay sau đời Ung Chính mà phim Chân Hoàn truyện thể hiện. Nhân vật nữ chính dựa vào Kế hoàng hậu Na Lạp thị - kế hậu của Càn Long Đế, cũng là hình tượng mà Lưu Liễm Tử sử dụng chính để thiết kế nên nhân vật Ôn Dụ Hoàng hậu Chu Nghi Tu trong loạt tiểu thuyết Hậu cung Chân Huyên truyện trước đó. Câu chuyện thiết kế cho Kế hậu là cháu gái của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu Na Lạp thị của Ung Chính Đế, dù trên lịch sử thì giữa hai vị hoàng hậu này chỉ cùng họ Na Lạp thị mà không có quan hệ gia đình.

Cốt truyện

Sau khi Ung Chính băng hà, cháu gái của Cảnh Nhân cung Hoàng hậu là Thanh Anh bắt buộc phải nương theo thời thế mà tồn tại. Bởi vì bà Cảnh Nhân đắc tội với Thái hậu mới, bị phán không thể dùng thân phận hoàng hậu nhập táng đế lăng, khiến cho Thanh Anh lo sợ không biết phải dựa vào đâu để sinh tồn. Sau cố gắng lèo lái, Thanh Anh xin Thái hậu ban cho tên mới để làm lại cuộc đời, và Thái hậu lấy tên Như Ý, với ý nghĩa "Lấy tĩnh làm động", khuyên Như Ý phải biết nhẫn nhịn mà sống.

Cốt truyện xoay quanh nữ chính Như Ý cố gắng tồn tại khi gia tộc thất thế, giữa một Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa mưu trí, một Cao Giai Hi Nguyệt đắc thế kiêu ngạo, một Gia phi Kim Ngọc Nghiên đầy dã tâm và kiên nhẫn, và một Ngụy Yến Uyển rành rẽ chuyện ném đá giấu tay. Trải qua rất nhiều đàn áp và bị lợi dụng, Như Ý thuận lợi làm hoàng quý phi, rồi làm hoàng hậu, có thể làm chủ địa vị và quan trọng nhất là sánh vai với chồng của mình, Hoàng đế Càn Long.

Thế nhưng Như Ý cũng dần nhận ra, người chồng Càn Long của mình mới là đối tượng khó đối phó nhất. Hai người gặp nhau cũng chỉ là tình thế miễn cưỡng, Càn Long khi ấy là Tứ a ca Hoằng Lịch, thân phận không cao, nghe theo dưỡng mẫu Hi Quý phi mà chịu lấy Như Ý làm trắc phúc tấn, hòng muốn lợi dụng vị thế cháu gái hoàng hậu của cô. Mà bản thân Như Ý vừa bị Tam a ca Hoằng Thời từ bỏ, nên không thể không thuận lý thành chương mà làm trắc phúc tấn của Hoằng Lịch. Sau một thời gian chung sống, Càn Long thật sự thích Như Ý, mà Như Ý cũng dần dành thực tâm để suy nghĩ cho chồng.

Tuy nhiên từ khi công chúa Hàn bộ là Hàn Hương Kiến nhập cung, tình cảm của cả hai cũng dần tan vỡ. Càn Long mê đắm sắc đẹp mà đày đọa vợ, rồi lại nghi kị Như Ý có tình cảm với người khác, mà bản thân Như Ý cũng cương liệt chống trả, không hề cúi đầu trước người vừa là chồng, lại vừa là chủ nhân. Đó cũng chính là lý do về sau, cả hai người tan vỡ, một thì tự sát, một thì hối hận đến cuối đời.

Hệ thống hậu cung

Tiểu thuyết được Lưu Liễm Tử xây dựng dựa trên Hậu cung nhà Thanh, song nhiều chi tiết không đúng. Hệ thống hậu cung của tiểu thuyết vì ảnh hưởng từ hệ thống của Hậu cung Chân Huyên truyện và sau là phim Chân Hoàn truyện mà có những đặc thù không tồn tại trong hậu cung triều Thanh.

Theo tiểu thuyết, ngoại trừ thái hậu, hoàng đế và hoàng hậu được xưng "Chủ tử" (主子), các phi tần đều chỉ được gọi là "Tiểu chủ" (小主). Từ tước tần trở lên là chủ vị của một cung, còn gọi "Nhất cung chủ vị" (一宮主位), tức có thể xưng "Bổn cung" (本宮), ở chính điện của cung đó và được các thái giám cung nữ trong hậu cung xưng gọi bằng danh xưng "Nương nương" (娘娘).

Khi trong cung không có hoàng hậu, hoặc hoàng hậu không thể giải quyết chuyện ở hậu cung, thì tước vị hoàng quý phi sẽ được lập, khi đó các hoàng quý phi sẽ có vị trí ngang "Vị đồng Phó hậu" (位同副后), lại gia thêm xưng vị "Nhiếp lục cung sự" (攝六宮事) và thay hoàng hậu quản lý hậu cung. Do đó, những hoàng quý phi thường có đặc quyền được các phi tần khác đến chính điện thỉnh an, một loại lễ nghi vốn chỉ dành riêng cho hoàng hậu, tức là khái niệm "Hợp cung thỉnh an" (合宮請安). Ngoài ra, trong tiểu thuyết cũng hay có trường hợp một quý phi hay phi có quyền cùng hoàng hậu (hoặc hoàng quý phi) cai quản lục cung, tức là khái niệm "Hiệp lý lục cung" (協理六宮).

Các tuyến nhân vật

Nhân vật chính

Nhân vật hậu phi

Nhân vật hoàng tộc

Nhân vật khác

Bị tố sao chép

Thời điểm phim Như Ý truyện chuẩn bị ra mắt, vào năm 2017, tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn tố "Hậu cung Như Ý truyện" của Lưu Liễm Tử sao chép văn chương của mình khi dựa vào câu "Song hoàn áp sồ sắc" (雙鬟鴨雛色), trong đó chữ "Hoàn" kỳ thực phải là chữ "Tấn" (鬢), đây là Phỉ Ngã Tư Tồn giải thích bản thân gõ sai chữ cuối cùng Lưu Liễm Tử chép theo. Để củng cố thêm Lưu Liễm Tử sao chép, Phỉ Ngã Tư Tồn còn lôi chuyện tiểu thuyết Hậu cung Chân Huyên truyện dính nghi án sao chép hàng loạt tác phẩm vào nhiều năm trước, khiến Tấn Giang nhận định Lưu Liễm Tử sao chép và khiến Lưu Liễm Tử rời Tấn Giang để xuất bản tiếp hai cuốn cuối của bộ tiểu thuyết này. Phỉ Ngã Tư Tồn còn phiên ra một loạt bảng màu đối chứng.

Dù vậy, đối với chuyện về "Hậu cung Chân Huyên truyện" dính nghi án sao chép, bản thân Lưu Liễm Tử đã phủ định từ rất lâu và rời khỏi Tấn Giang xuất bản tiếp. Còn chi tiết về câu "Song hoàn áp sồ sắc" thì căn cứ theo Trung Quốc lịch đại thi học thông luận của tác giả Phương Tử Đơn (方子丹) năm 1984, trang 161, khi phân tích "Tây Châu Khúc" (西洲曲) thì câu thơ trên chính xác dùng chữ "Hoàn". Mặt khác, học giả Quách Dương Ba (郭杨波) khi phân tích về "Mỹ nhân sơ đầu ca" (美人梳头歌) cũng chép câu thơ trên là "Song hoàn áp sồ sắc", tức câu thơ từ nhiều năm dùng đã là chữ "Hoàn" mà không phải "Tấn" như Phỉ Ngã Tư Tồn nói.

Xem thêm

  • Hậu cung nhà Thanh
  • Quý tộc nhà Thanh
  • Kế hoàng hậu
  • Na Lạp thị
  • Bát Kỳ

Tham khảo

  • Loạt tiểu thuyết Hậu cung Như Ý truyện, tổng 6 cuốn:
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2012). Hậu cung Như Ý truyện - quyển 1. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511321626.
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2012). Hậu cung Như Ý truyện - quyển 2. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511324672.
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2013). Hậu cung Như Ý truyện - quyển 3. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511334213.
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2013). Hậu cung Như Ý truyện - quyển 4. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511342225.
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2014). Hậu cung Như Ý truyện - quyển 5. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511346278.
    • Lưu Liễm Tử 流潋紫 (2015). Hậu cung Như Ý truyện - Đại kết cục. Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã (中国华侨出版社). ISBN 9787511354853.

Text submitted to CC-BY-SA license. Source: Hậu cung Như Ý truyện by Wikipedia (Historical)