Aller au contenu principal

Đánh giá năng lực


Đánh giá năng lực


Đánh giá năng lực (viết tắt: ĐGNL) là tên gọi chung cho một vài kỳ thi tuyển sinh sớm tại Việt Nam do các đại học và trường đại học tự tổ chức.

Kỳ thi này được coi là một bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện hơn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nội dung bài thi đánh giá năng lực thường tích hợp những kiến thức và tư duy, dưới hình thức cung cấp số liệu và dữ liệu cũng như các công thức cơ bản. Qua đó, đánh giá được những khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thi sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài thi ĐGNL học sinh trung học phổ thông (HSA; tiếng Anh: High School Student Assessment) bắt đầu được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào năm 2015, sau đó tiếp tục tổ chức vào năm 2016 và ngưng tổ chức kể từ năm 2017. Năm 2021, kỳ thi được tổ chức trở lại với nhiều thay đổi so với năm 2015, tiếp cập theo hướng phi truyền thống nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh chứ không đơn thuần phục vụ cho tuyển sinh đại học. Bài thi ĐGNL mỗi năm tổ chức 10 đợt thi, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự thi tối đa 2 đợt, trừ năm 2021 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà kỳ thi chỉ tổ chức được một nửa số đợt.

Hình thức

Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150.

Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những câu phù hợp với ba nhóm năng lực nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, cân bằng độ khó của từng đề.

Tranh cãi

Ngày 26 tháng 4 năm 2023, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải bài viết về việc đề thi phần Tư duy định tính của bài thi ĐGNL có sự trùng lặp giữa các đợt, thậm chí chỉ thay đổi khoảng 30% số câu. Về vấn đề này, đại diện của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng khả năng lặp lại đề thi, đặc biệt là lặp đến 30% là điều không không thể xảy ra và không có căn cứ để phán đoán, chưa nói đến việc vội vã kết luận.

Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi

Danh sách 70 trường đại học và học viện sử dụng kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển năm 2023:

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Kỳ thi Đánh giá năng lực bắt đầu được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 2018. Kỳ thi ĐGNL tổ chức tại nhiều cụm ở các tỉnh thành khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh ở nhiều địa phương tham dự. Một năm có 2 đợt thi ĐGNL được tổ chức, trừ năm 2020 vì những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam mà kỳ thi chỉ tổ chức một đợt duy nhất.

Hình thức

Thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; toán, suy luận logic và xử lý số liệu; giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội. Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi

Danh sách 92 trường đại học, học viện và cao đẳng sử dụng kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển năm 2023:

Bộ Công an

Bài thi đánh giá tuyển sinh đại học Công an nhân dân bắt đầu được Bộ Công an tổ chức từ năm 2022 với mục đích lấy kết quả tuyển sinh vào các trường đại học, học viện công an nhân dân, sau 7 năm không tổ chức thi để tuyển sinh. Các trường đại học và học viện công an xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an, trong đó bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm tỷ lệ 60% và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển chiếm tỷ lệ 40%.

Hình thức

Bài thi được làm trên giấy với phương án đưa ra nhiều mà đề thi (CA1, CA2, CA3, CA4) sẽ thực tế và phù hợp với yêu cầu đối với người học của các trường đại học thuộc Bộ Công an. Đề tự luận Toán và Văn có sự phân hóa cao, có các câu hỏi ở mức nâng cao, vận dụng cao kiến thức và năng lực tư duy, nên có sự phân hóa rất tốt thí sinh. Điểm các môn tự luận, bao gồm Toán và Ngữ văn được nhân hệ số 4.

Lĩnh vực khoa học tự nhiên gồm 25 câu (mỗi câu 1 điểm) tương ứng với 25 điểm; kiến thức cốt lõi gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong đó, 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Lĩnh vực khoa học xã hội gồm 25 câu (mỗi câu 1 điểm) tương ứng với 25 điểm; kiến thức cốt lõi gồm Lịch sử, Địa lý, Văn hóa kinh tế xã hội. Trong đó 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Lĩnh vực ngôn ngữ (thí sinh được lựa chọn một trong hai ngôn ngữ là tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc theo nguyện vọng thí sinh đăng ký khi sơ tuyển) gồm 20 câu (mỗi câu 0,5 điểm) tương ứng với 10 điểm, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Môn Toán học có từ 3 - 5 câu với 40 điểm, trong đó 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Môn Ngữ văn gồm 2 câu với 40 điểm thuộc kiến thức lớp 12, trong đó câu 1 là đọc hiểu với 10 điểm; câu 2 làm văn với 30 điểm.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Năm 2022, lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Kỳ thi này gồm tám môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề thi Ngữ văn sẽ có 30% là câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.

Để được tham dự kỳ thi, thí sinh có cần có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên. Các em được đăng ký tối đa hai nguyện vọng. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên).

Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi

Danh sách 8 trường đại học và học viện sử dụng kết quả thi ĐGNL của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển năm 2023:

  • Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
  • Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
  • Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
  • Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
  • Trường Đại học Quy Nhơn

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu từ năm 2022. Thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt các môn Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học. Mỗi môn gồm 50 câu hỏi. Trong đó, 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (một đáp án đúng duy nhất) và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống. Thời gian làm bài là 90 phút, bài thi được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi.

Riêng môn Ngữ văn, bài thi sẽ gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (một đáp án đúng duy nhất) và một bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội (đề mở) với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ. Thời gian làm bài là 90 phút, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống. Phần thi trắc nghiệm khách quan môn Ngữ Văn sẽ được máy tính chấm tự động. Phần viết luận sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.

Về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh, đề thi sẽ sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó, bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thời gian làm bài là 180 phút. Phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động. Các phần thi nói và viết sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.  

Xem thêm

  • Đánh giá tư duy, kỳ thi tuyển sinh do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức
  • Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng (Việt Nam)

Tham khảo


Text submitted to CC-BY-SA license. Source: Đánh giá năng lực by Wikipedia (Historical)